Nơi treo: đèn chùm thường được treo ở những không gian lớn, những không gian có tính sang trọng, đăng đối như sảnh, phòng hội họp, phòng ăn, phòng khách… Trong các không gian riêng tư và nhỏ hơn (như phòng ngủ) hạn chế dùng đèn chùm, nếu sử dụng cần lưu ý tới chiều cao và vị trí.
Định vị chùm den trang tri hay là quan hệ vị trí đèn với các bề mặt tương ứng trong không gian – đặc biệt là trần và sàn. Nếu đã định sử dụng đèn chùm phải quan tâm tới trần từ khâu thiết kế, xác định các vị trí treo đèn để thiết kế trần phù hợp. Song song với vấn đề đó là thiết kế sàn tương ứng và xác định nội thất trên bề mặt sàn.
Tất cả đều có quan hệ chặt chẽ, mật thiết với nhau. Một điểm cần lưu ý nữa là cần tránh vị trí chùm đèn “rơi” trên các vị trí đứng/ngồi của người làm việc, sinh hoạt.
Vị trí đèn chùm nên thẳng với vị trí bàn họp ở phòng họp, bàn ăn ở phòng ăn, bàn nước ở phòng khách hoặc những vị trí không có đồ nội thất, vị trí mà người sử dụng không đứng hay ngồi lâu.
Kích thước: cũng như tất cả các yếu tố khác của kiến trúc, nội thất, kích thước đèn chùm và tỷ lệ hài hoà là nhân tố quan trọng nhất của yếu tố thẩm mỹ. Một chiếc đèn dù đẹp đến mấy nhưng tỷ lệ không phù hợp thì cũng không thể làm không gian đẹp hơn. Không gian rộng, trần cao mà đèn nhỏ thì đèn sẽ bị “lọt thỏm”. Ngược lại không gian nhỏ, trần thấp mà đèn lớn sẽ gây bức bối, khó chịu; chưa kể dễ bị va quệt vào đèn. Để chọn kích thước đèn phù hợp có thể căn cứ vào công thức sau:
- Nếu chiều cao trần (H) khoảng 3m: L = 1/5H (L là độ dài của đèn chùm).
- Nếu chiều cao trần (H) lớn hơn 3m: L = 1/4H (L là độ dài của đèn chùm).
- Với trần cao dưới 3m không nên dùng các kiểu đèn chùm cổ điển, chỉ nên dùng các kiểu đèn chùm hiện đại, gọn, không dài.
- Với chiều cao trần từ 2,6m trở xuống có lẽ không nên dùng đèn chùm.
Đèn chùm được bọc một lớp áo xung quanh để làm giảm cường độ sáng, phù hợp với không gian quán cà phê, và nhấn mạnh hiệu quả khối sáng
Kiểu dáng, hình thức: kiểu dáng và chất liệu, màu sắc đèn chùm cần phù hợp với phong cách thiết kế nội thất và các đồ nội thất cụ thể có liên quan trong không gian đó. Một không gian cổ điển sẽ cần đèn chùm cổ điển, một không gian hiện đại phải dùng đèn chùm hiện đại. Nếu không chú ý tới yếu tố này, sẽ xảy ra tình trạng khập khiễng, có thể: không gian đẹp + đèn đẹp = kết quả xấu.
Chuẩn bị kỹ thuật:
- Để treo đèn chùm, cần phải chuẩn bị trước các yếu tố kỹ thuật liên quan. Móc treo đèn là yếu tố quan tâm số một. Đèn chùm thường rất nặng – nhất là đèn chùm pha lê nên móc phải chắc chắn, an toàn cho cả đèn lẫn người sử dụng. Móc được chôn khi đổ bêtông là tốt nhất, nếu không phải khoan gia cố vào trần bêtông, tuyệt đối không gắn vào hệ trần thạch cao có thể gây sập trần, hoặc gây võng nứt…
- Dù có thể chưa “rước” đèn về nhưng cũng nên áng chừng thông số kỹ thuật về loại đèn dự kiến sử dụng để lắp bộ điều khiển phù hợp. Nếu việc sử dụng linh hoạt về cường độ ánh sáng nên dùng chiết áp để tiện điều chỉnh. Không nên vì sáng quá mà… tháo bớt bóng của đèn chùm đi!
- Thực tế là đèn trang trí chùm không dễ treo. Nhưng thực tế cũng cho thấy đèn chùm… rất dễ treo, vì cứ mua về là có thể treo được; ai cũng có thể mua đèn về treo. Nhiều bộ đèn chùm rất đẹp nhưng treo lên làm xấu cả phòng lẫn đèn, có thể vì kích thước không phù hợp, có thể vì phong cách kệch cỡm, có thể vì màu sắc “đá” nhau với nội thất… Đèn chùm là một thứ trang thiết bị, đồ trang trí quan trọng, nằm ở chỗ quan trọng và khá tốn kém, rất cần có sự tư vấn của nhà chuyên môn (các chuyên gia chiếu sáng, chuyên gia nội thất, các kiến trúc sư…). Ra cửa hàng ngắm đèn chùm rất dễ bị hoa mắt bởi vô số loại đèn và bởi ánh sáng không trung thực do treo chưa đúng độ cao, ảnh hưởng bởi các bóng đèn khác. Một bộ đèn chùm ngắm ngoài cửa hàng thấy “thế này”, nó sẽ “thế khác” khi mang về treo ở nhà mình. Bên cạnh đó, vấn đề giá “trên trời” với những loại đèn chất liệu “xịn” như pha lê, đá… cũng làm các “thượng đế” đau đầu không biết đâu mà lần…
Về mặt kiểu dáng và chất liệu, có thể phân đèn chùm thành ba nhóm sau đây:
- Nhóm đèn pha lê: đèn chùm pha lê thường đối xứng tâm, có thể có nhiều tầng, nhiều vòng. Ở trên khung xương đèn có rất nhiều những hạt pha lê được đính vào làm cho ánh sáng tán sắc lấp lánh. Chất liệu của những “viên lấp lánh” này quyết định toàn bộ giá trị đèn. Nếu đúng là pha lê thì đèn cho chất lượng ánh sáng tuyệt hảo và giá thành rất đắt, còn nếu là thuỷ tinh thường hay thậm chí nhựa trong thì chất lượng ánh sáng và giá thành giảm tỷ lệ thuận theo nhau.
- Nhóm đèn có choá/chụp: nhóm đèn này thường ít bóng hơn nhóm đèn pha lê – mỗi choá/chụp có một bóng đèn. Thông thường loại này có một bóng giữa tâm (có thể bằng hay to hơn) và các bóng chìa ra xung quanh. Choá/chụp của nhóm đèn này thường bằng thuỷ tinh mờ hay có vân để giấu bóng đèn bên trong. Một số loại đèn cao cấp có choá/chụp được chế tác từ đá.
- Các kiểu khác: các kiểu thuộc nhóm này đa phần là các kiểu đèn chùm hiện đại xuất hiện gần đây. Chúng được thiết kế tương đối tự do, kích thước không lớn lắm (trừ một số đèn có đuôi thả dài). Các loại vật liệu cũng rất phong phú, từ kim loại (thép, đồng, inox…), thuỷ tinh, nhựa, vật liệu tổng hợp khác. Một số loại đèn chùm hiện đại còn sử dụng bóng halogen (có định dạng đuôi khác bóng sợi đốt tungsten truyền thống)
- Đèn chùm còn phong phú trên phương diện… giá. Không phải là một mặt hàng tuyệt đối công nghiệp nên đèn chùm không xuất xưởng ra thị trường hàng loạt, đa phần là nhập khẩu nhỏ lẻ từ nước ngoài. Mỗi mẫu có thể có vài ba chiếc, nhiều khi có duy nhất. Chính vì vậy, rất khó đánh giá chính xác giá trị của những chiếc đèn bày bán trên thị trường nếu không phải là người am hiểu về chuyên môn.
Thế nào là đèn chùm tốt? Chất lượng đèn chùm phụ thuộc vào các yếu tố sau đây:
- Kết cấu đèn: khung xương đèn phải làm bằng vật liệu chắc chắn, khoẻ; các mối nối liên kết từ xương chính tới các nhánh, các choá/chụp đèn phải kín, khít, không rạn vỡ.
- Phụ kiện: các phụ kiện pha lê, thuỷ tinh phải dày dạn, không có lỗi, tạp chất, không bị xước, không bị mất mát, xô lệch, vẹo. Các bộ phận liên kết phụ kiện (dây, móc) phải đảm bảo bền vững.
- Hệ thống dây dẫn, đuôi đèn: đèn chùm thường có rất nhiều bóng từ vài cho tới hàng chục bóng đèn. Vì vậy ở đèn chùm có một hệ thống dây khá phức tạp từ trung tâm toả đi tới các nhánh. Hệ thống dây này phải có chất lượng tốt và được giấu kín, nhưng cũng tiện xử lý khi có sự cố. Hệ thống đuôi phải theo chuẩn, đảm bảo tiếp xúc tốt. Đèn chùm sẽ trở nên mất thẩm mỹ nếu như một hoặc vài bóng đèn không sáng.